1380 – KỂ CHUYỆN QUÊ XƯA I.

Xuất bản vào 13:38:37 07/12/2018


1. ĐÓNG CỐI XAY (1)

 

 

Xưa để có, gạo ăn thời phải
Đóng cối xay, với lại đẽo chày
Kungfu ở chỗ đóng xay
Đẽo chày dễ chẳng kể đây làm gì.

Muốn đóng cối, cũng chi gian khó
Trọng chỗ nhà ta có tiền không
Chẳng quan chi chuyện hè đông
Trọng nơi thợ cả có hồng có chuyên.

 

 

“Hồng” thời cối, nhìn duyên lại đẹp
Thóc xay ra, hạt lép cũng bung
Gạo tròn trấu xổi khắp cung
Càn, khôn, khảm khiếc, nhìn chung… cực đều.

Nghề nhược kém, xay kêu xay “dối” (2)
Gạo nát còn, lẫn ối thóc non
Lòng con chẳng những héo hon
Thương bà mẹ khổ sàng mòn mỏi tay.

 

 

Nhanh cũng mất, hai ngày một sáng
Thợ cơm nuôi (3), đâu dạng vừa đâu
Sáng ra phải rượu, chè tàu (4)
Bùi thì (5) tận miệng mới cầu… cối hay.

Cối hai thớt, mới xay được thóc
Lại đóng răm (6), mới bóc gạo ra
Trụ quay tên “ngõng” xay a
Còn thêm “tràng” kéo mới là cối xay.

 

 

Đất đóng cối, lấy ngay đất sét
Nhào nhuyễn xong, mới trét đất vô
Đợi khi đất ráo dùng vồ
Trêm răm và để thật khô mới dùng.

Chuyện đóng cối, tựu chung như rứa
Biết bi nhiều, kể phứa bi nhiêu
Nhược như ai đó bảo “điêu”
Sẵn lòng chấp nhận chẳng điều phân vân.

Tp.HCM, ngày 07.12.2018
Thiều Ngọc Sơn
——————–
Chú thích:
(1). Cối xay thóc (hay lúa) là dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo. 
Cối gồm một thớt trên và một thớt dưới. Thớt dưới cố định, thớt trên bên trong trát đất, khoét hình chảo lõm, có thể quay tròn theo một trụ (trục), gọi là ngõng cối, nằm cố định ở giữa thớt dưới, ngõng cối xưa được làm bằng gỗ lim hay sến (có thể dùng lâu dài). Ngoài 02 thớt còn có một tràng xay (tay quay), khi xay thì lắp vào một bên tai cối. Dưới cối có cái giá để đỡ bằng tre, có 4 chân.

Vật liệu dùng đóng cối: gồm đất, đất sét vàng; tre để đan 2 thớt cối (thớt trên và thớt dưới), làm tai cối, làm giá và chân cối; gỗ làm “ngõng cối” tức cái trụ giữa thớt dưới, làm tràng xay và răm.

(2) Xay dối tức xay thóc nhưng hạt tróc vỏ hạt không.
(3). Thợ cơm nuôi: tức ngoài tiền công, còn phải nuôi thợ ăn, nghỉ, ngủ tại nhà trong thời gian đóng cối.
(4). Chè tàu tức chè (trà) búp, chè móc câu, chè khô, không phải chè xanh.
(5). Bùi thì: tiếng địa phương tức ăn bồi dưỡng giữa buổi để lấy sức làm, kiểu như ăn xế theo cách gọi ở một số địa phương.
(6) Răm: dăm cối thường được làm bằng gỗ nhãn già vì có độ dẻo, rắn, bền… không dễ bể gãy.




Câu lạc bộ Thái Cực Quyền Công Viên Gia Định - Số 3 đường Hoàng Minh Giám, P. 3, Q. Gò Vấp, TP. HCM