1668 – Ý nghĩa linh vật rồng & Chiếu thư trong đình chùa, miếu mạo…

Xuất bản vào 16:18:32 21/08/2019


Đền thờ Tướng công Thiều Thốn tại núi Đào Sơn (Thanh Hóa)

 

Có một bạn sau khi nhìn thấy ngôi đền thờ Tướng công Thiều Thốn tại chân núi Đào Sơn (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có 04 con rồng đá ở bậc thềm tam cấp đầu quay ra ngoài đang trườn xuống sân đã gửi cho Admin một tin nhắn có nội dung như này (nguyên văn): “Rất nhiều người đã đi nhiều nhưng không hiểu về kinh điển, không phải cứ nhiều là tốt. Tích xưa chỉ có lưỡng long chầu nguyệt, song long chầu môn (cửa) nhưng đền có 4 tống cùng cấp, không đúng với luật. Nếu 2 con đi ra chầu cổng và thấy bằng vân mây thì hay biết mấy” và cuối cùng bạn viết thêm: “Đây là một di tích quốc gia nên phải theo bản vẽ của bộ văn hóa không nên tùy tiện nhé !”.

Xét thây đây là câu hỏi, thắc mắc rất thú vị vậy mình xin được mạn phép nêu một số nhận biết của cá nhân hòng trao đổi cùng bạn và cũng cốt để toàn thể cháu con hiểu biết thêm chút kiến thức về việc hình tượng con rồng, chiếu thư đá trong đền thờ của dòng tộc, chùa chiền…

TÌM HIỂU Ý NGHĨA TÂM LINH – LINH VẬT RỒNG & CHIẾU THƯ TRONG ĐỀN CHÙA, TỔ ĐÌNH, TỪ ĐƯỜNG CÁC DÒNG HỌ

Mỗi độ tết đến xuân về, hoặc khi nhàn rỗi, có điều kiện vãn cảnh trong các công trình kiến trúc cổ mang yếu tố tâm linh như đền, chùa, miếu mạo, các nhà thờ họ tộc, tổ đình v.v. Chúng ta thường thấy tại đây có rất nhiều các dấu hiệu xuất hiện của các linh vật như rồng, kỳ lân, rùa và chim phụng (phượng) cùng với đó là các chiếu thư. Vậy ý nghĩa của các linh vật này trong các kiến trúc cổ như thế nào ? Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về:

1. Rồng trong đời sống tâm linh của người Phương Đông

Rồng là loài vật không có thực trong thế giới tự nhiên nhưng lại là “linh vật” trong đời sống tâm linh của người phương Đông. Đối với các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng, là kiệt tác trong sáng tạo nghệ thuật.

 

Hình ảnh 02 con rồng trước điện Kính thiên (Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội) 

 

Không biết hình tượng con rồng đầu tiên xuất hiện từ đời nào ở các nước Phương Đông nhưng cùng với lịch sử phát triển và hình thành của các nước nhất là những nước có mối liên hệ với nền văn minh Hoa Hạ (TQ), con rồng được hình thành và trở nên rất phổ biến. Không những thế, rồng còn được nhiều người dân các nước Phương Đông tôn sùng, coi như tô tem của dân tộc mình. Tổng hợp trong con rồng, tô tem linh thiêng này là trí tuệ, tín ngưỡng, niềm tin, lý tưởng, nguyện vọng, sức mạnh… Rồng trở thành biểu tượng cao quý và sức sống vĩnh hằng, có ảnh hưởng to lớn, ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội và đời sống tâm linh ở mỗi nước. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các bậc vua chúa xưa kia, là biểu tượng của sự “Mưa thuận gió hòa”, “Quốc thái dân an” nhưng đôi khi cũng là biểu hiện của sự trừng phạt. Rồng là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”.

2. Ý nghĩa của bình phong, chiếu thư trong kiến trúc đền, chùa, miếu mạo, các tổ đình và nhà thờ tộc họ:

a. Bình Phong (屏风):

– Từ xa xưa, xuất phát từ nhiều lý do nên các tấm vách, vật che đã được dựng lên trong một ngôi nhà. Do xã hội ngày càng văn minh, phát triển nên về sau, tấm vách được thay thế bằng tấm bình phong và trên tấm bình phong ấy thường là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử rất cao, nó không chỉ phản ánh văn hóa dân tộc, yếu tố tâm linh (giúp ngăn chặn tà khí tức ngăn các luồng khí xấu, khí có hại xâm nhập vào khu lăng mộ, nhà thờ, nhà ở, đình chùa…), yếu tố thời đại (tỉ dụ như căn cứ vào hình tượng con rồng trên bức bình phong người ta có thể biết được công trình đó có niên đại từ thời nào. Vì mỗi thời hình tượng rồng mỗi khác, con rồng thời nhà Lê khác rồng thời Nguyễn) mà còn có ý nghĩa tượng trưng cho ước vọng gia đình, dòng tộc và điều đặc biệt, bình phong còn góp phần làm tăng thêm vẻ uy nghiêm của công trình.

 

Rồng và Chiếu rồng trước chánh  điện chủa Tân Thanh (Lạng Sơn)

Cần chú ý:
– Nếu bình phong được trang trí giống như một tờ giấy cuốn lại (tờ chiếu chỉ của vua chúa), một bên có cây bút và một bên có cây kiếm thì tiếng Nôm (Nam) ta được gọi là cuốn thư (cuốn có nghĩa cuộn). Bút tượng trưng cho kiến thức, cho trí tuệ còn kiếm, tượng trưng cho uy quyền, sức mạnh.

Có nhiều loại cuốn thư: như bằng giấy, bằng đồng, bằng đá v.v. Cuốn thư tại các công trình trên thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ tổ, thờ gia tiên, trên các cổng đình chùa hoặc được dựng chắn ngay trước đình, chùa, miếu mạo,nhà từ đường.

b. Chiếu thư (詔 书):

Hiểu nôm đơn giản thì đó là bức tranh rộng lớn như cái chiếu trải giường nên gọi là chiếu thư. Hiểu văn vẻ thì do “chiếu” có hoa văn họa tiết, nhìn nhác qua giống cái chiếu chỉ, cái sắc phong của vua khi xưa.

Chiếu thư (詔 书 là tiếng Hán), cuốn thư (thư cuộn lại, tiếng Nôm) tại các công trình kiến trúc cổ có ý nghĩa và giá trị như “cuốn thư” kể trên nhưng khác chỗ thường được đặt tại vị trí vững chắc tại chính giữa công trình, phía trước điện thờ, có lối lên xuống hai bên và được đặt một đầu gối lên thềm công trình.

 

Chiếu thư mang ý nghĩa trấn tà được bố trí nằm trước cơ sở thờ tự

 

Chú ý: Giống như chiếu thư, tùy vật liệu làm chiếu thư mà có tên gọi khác nhau. Nếu được làm bằng đồng và khắc rồng thì gọi là chiếu rồng đồng, nếu làm bằng đá thì gọi chiếu rồng đá…

3. Giá trị và ý nghĩa tâm linh của rồng và chiếu thư trong các công trình và những điều kiêng kỵ.

Như đã nói trên linh vật rồng và chiếu rồng cũng như các bình phong, cuốn thư được đặt tại đền chùa, miếu mạo, từ đường của các dòng họ, ngoài ý nghĩa tâm linh như trấn ác, trừ tà, cầu chúc mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an, gia tộc hưng thịnh, tài lộc dồi dào, hạnh phúc ấm no… Rồng và chiếu rồng còn là tác phẩm nghệ thuật, giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ, mang cảm giác chắc chắn, uy nghi cho toàn bộ công trình.

Qua tìm hiểu, khảo sát thấy sự bố trí số lượng “rồng” tại các công trình tâm linh ở mỗi nơi mỗi khác.

Về rồng ở trên mái: Có chùa trên mái có đến cả mấy chục con, có chùa lại chẳng có con nào;

Về rồng ở trước thềm, lối lên điện: cũng có sự khác biệt nhau, có chùa, nơi miếu mạo, từ đường sắp xếp 2 con nhưng cũng nhiều nơi như chùa cổ Phước Tường (Quận 9, Tp.HCM) có 4 con; chùa Tân Thanh (Lạng Sơn) không tính lượng rồng, lân trên mái chùa, dưới sân cũng có 04 con; chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng có 04 con tại trước sân…

 

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng có 04 con rồng đang trườn xuống sân…

 

Như vậy, ta có thể thấy việc bố trí lượng rồng tại các nơi thờ tự, không tuân theo một quy luật nhất định. Nơi 2, nơi 4 hoặc nhiều hơn là do… tùy “duyên”, tùy khả năng tài chính của các cơ sở thờ tự…

Và cuối cùng, cũng không tìm thấy tài liệu nào nói trước đền thờ họ, đình chùa, miếu mạo chỉ được bố trí 2 con rồng trong cái thế gọi là thế… lưỡng long tranh châu.

Trân Trọng !




Câu lạc bộ Thái Cực Quyền Công Viên Gia Định - Số 3 đường Hoàng Minh Giám, P. 3, Q. Gò Vấp, TP. HCM