Xuất bản vào 18:07:58 09/06/2024
Thầy Minh Đạo, bữa rồi “đắc tội”
Phát ngôn “bừa”¹, nên vội, ẩn cư
Một mình, giữa núi, trầm tư
Kỹ soi, răng nẻo “tăng sư”…, nhọc nhằn!
Đường tu đạo, đâu lằn ranh đỏ?
Đâu điểm dừng, đâu bỏ, đâu buông?
Vì sao, Anh Tú “dộng” chuông²
Lũ “yêu tăng” lại phát cuồng, phát điên?!
Ngày thầy nớ³, hóa duyên⁴ một bữa
Cũng chưa từng, gõ cửa các chùa
Phấn y, nhặt chứ chẳng mua
Đã “tu” sao lại, hơn – thua với ngài?!
Thầy noi pháp, Như Lai Phật Tổ
Mong ngày sau, cứu khổ độ nguy
Đúng, khen, sao lại bắt quỳ?
Bắt mình “sám hối”, có gì… đó sai?!
…
Thầy Minh Đạo, có bài “tán thán”
Khen “đồng tu”, mẫn cán hành trì
Lại khuyên, phật tử “xót” thì
Ven đường đảnh lễ, chớ đi… theo Người!
Bài “tán thán”, chỉ mười một phút
Chẳng chi dài, chẳng chút xàm ngôn
Vậy nhưng, “quả” đến, dập dồn
Nhập hang xám hối, bảo tồn hạnh tu ?!
Vì cái nhẽ, chẳng xu thời thế?
Hoặc trí tri, TỨ ĐẾ⁵, chửa sâu?
Cội nguồn “sám hối”, vì đâu?
Nhẽ khen đồng đạo, mấy câu… rõ tồi?!
Thầy Minh Đạo, bữa rồi đắc tội
Phát ngôn không, được “hội” ủy quyền?!.
Quận 12, ngày 9.6.2024
Shaolaojia
————-
Chú thích:
¹. Bừa: tức nói ẩu, ý nói bài thầy tán thán về pháp tu “Hạnh đầu đà” của sư Minh Tuệ trước đại chúng. Bài nói chuyện thấu tình đạt lý, được dư luận đánh giá cao và đồng tình ủng hộ nhưng lại bị Ban trị sự BRVT đánh giá là ẩu và bắt thầy phải làm kiểm điểm, phải quỳ, sám hối…
². Dộng chuông: Anh Tú là thế danh của sư Thích Minh Tuệ, người đương gây sốt trên mxh khi thực hành pháp tu khổ hạnh. Ý chỉ thầy Minh Tuệ dùng pháp tu “Hạnh đầu đà” thức tỉnh đại chúng, thức tỉnh các tăng ni trên con đường hoằng pháp.
³. Thầy nớ: chỉ sư Minh Tuệ.
⁴. Hóa duyên: Người tu thời xưa vì muốn kết được nhiều thiện duyên nên thường đi giày rơm, cầm cây gậy trúc (cũng kêu đả cẩu bổng, gậy đánh chó) và một chiếc bình bát rồi vân du khắp nơi. Khi đói thì hướng đến người qua đường xin miếng cơm, mệt mỏi thì xin ở nhờ một tối… như thế gọi đó là “hóa duyên”. Ngày nay, khi cần lập chùa, tu bổ chùa, đúc chuông, tạc tượng v.v., các nhà sư thường đi quyên tiền, quyên tài vật cũng gọi là hóa duyên. Cũng có sách gọi la đi khuyến hóa.
⁵. Tứ đế: chính xác là “Tứ diệu đế” hay “Tứ Thánh đế”, “Tứ chân đế”. Là 4 sự thật vi diệu của cuộc đời. 4 sự thật về sự khổ (khổ đế), nguyên nhân của khổ (tập đế), cách giải quyết khổ (diệt đế) và con đường đưa đến hạnh phúc tối hậu (đạo đế).