661 – Vọng Phu… Quê Tôi !

Xuất bản vào 07:43:22 17/10/2016


Quê tôi có, người đàn bà hóa đá
Đứng chờ chồng, dễ cả ngàn năm
Lần nào về, tôi cũng ngước thăm
Mẹ vẫn ngó, xa xăm… phía trước.

Lòng thầm hỏi, phải chăng vì nước ?
“Người” ra đi, chưa được về nhà ?
Mẹ ngóng chồng, ánh mắt dõi xa ?
Hay Mẹ ngắm, quê cha… đất tổ ?.

Non nước trải, biết bao giông tố
Hoặc vì quê, thống khổ Cha đi ?
Mấy ngàn năm, tử biệt sinh ly
Không phải thế, vì chi… Mẹ đợi ?.

Mấy ngàn năm, nỗi buồn vời vợi !
Mẹ dẫn con, ngóng đợi… chồng về ?
Có khi nào, “người” đắm cõi mê ?
Quên bản quán, Hiền Thê hóa đá !

Hòn vọng phu nhìn từ phía làng ra

Mẹ vẫn thế, tấm lòng cao cả
Mấy ngàn năm, ròng rã đợi chồng
Chẳng khi nào, lơi mắt dõi trông
Nên hóa đá, ứng lòng dân tộc…

Quê tôi có, một người đơn độc
Đợi chồng về, trên dốc núi Nhồi* !
Chẳng màng trời lặn, trăng trôi
Ngàn năm hóa đá, chẳng thôi… chờ chồng./.

Tp.HCM, ngày 16.10.2016
Thiều Ngọc Sơn
<><><><><><>
Núi Nhồi còn gọi núi Vọng Phu, xưa còn có tên gọi là An Hoạch Sơn. Núi Nhồi nằm trong quần thể núi đá vôi (gồm núi Nấp, núi Son, núi Thiều…) nay thuộc địa phận phường An Hoạch, Tp.Thanh Hóa. Đây là quần thể núi có nhiều đá quý. Đá núi Nhồi xưa thường được các triều đại Phong kiến dùng khắc bia, tạc tượng trong cung vua, đình chùa, miếu mạo. Đá núi Nhồi chủ yếu là loại đá xanh, đá cẩm thạch có độ bền, hoa vân đẹp, phong phú… Đá núi Nhồi cũng chính là loại đá được chọn để làm trong lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.




Câu lạc bộ Thái Cực Quyền Công Viên Gia Định - Số 3 đường Hoàng Minh Giám, P. 3, Q. Gò Vấp, TP. HCM