2169 – TÔI LÀM BẾP… (KỲ – II)

Xuất bản vào 13:05:12 15/01/2022


 
 
Làm bếp phải, hệt như vào trận
Muốn vẹn toàn, “cẩn thận”, trước tiên
Nếu không, hẳn đạn thù xiên
Lủng đầu sử liệt… vô: “tiền, lão nhân!”
 
“Bếp” trông thế , vạn phần, gian khó
Chẳng “hữu tâm”, chỉ “mó” (1), vào thôi
Đã ngây ngất nản, mịa rồi
Dễ chi thấy cảnh, rế – nồi… đẹp duyên ?!
 
 
Tâm chẳng sáng, lòng tuyền bức bối
Nhìn chỗ nao, cũng cối với chày
Dễ sinh, tị nạnh kia này
Biện phân sao nổi.., món hay, món thường !?
 
Tâm đã sáng, “tình thương”, ăm ắp
Cộng “cần cù”, riết rắp, thành chuyên
Chẳng ngon, cũng giúp Thung – Huyên (2)
Cỗi cằn âu cũng, thường xuyên, mát lòng !
 
Làm bếp hệt, lính xông vào trận
Muốn vẹn toàn, “hờn giận”, bỏ buông
Nếu không Thiên Mụ, tiếng chuông
Cũng vô vị hệt, trăng suông… thú gì!?
 
Quận 12, ngày 15.1.2022
Shaolaojia
————
Ghi chú:
(1). Mó: tức sờ, đụng, chạm…
(2). Thung Huyên: từ văn chương cổ, chuyên dùng để chỉ cha mẹ. Người thời xưa, trong văn thơ, cổ kịch hay ngay cả khi đối đáp, nếu có người hỏi về song thân già, người ta nói: “thung cỗi huyên già”. Ví dụ:
– Trong truyện thơ “Tống Trân Cúc Hoa” (diễn Nôm) xưa có câu:
Tống Trân số phận long đong
Vừa lên ba tuổi nhà Thung chầu trời !
Hay trong vở chèo “Thạch Sanh – Lý Thông” cũng chỉ rõ:
Tủi thân sớm vắng nhà Thung
Lấy ai dạy giỗ, cậy trông sau này !
Thêm một vd nữa: Trong truyện thơ “Nhị độ mai” cũng có cách dùng tương tự:
Chị nhờ em gánh hiếu trung
Chồi huyên gần cỗi gốc thung gần già.
Em về thưa với thung huyên
Chốn này ta đã thành duyên nhau rồi_Ca dao.
Thung Huyên (椿萱) có nghĩa là:
Thung (椿 cũng gọi là xuân) là loại cây cao, gỗ cứng, thường dùng làm khí cụ rất tốt. Trong Trang Tử (莊子), phần Tiêu Dao Du (逍遙遊) có đoạn rằng: “Thượng cổ hữu đại Thung giả, dĩ bát thiên tuế vi Xuân, bát thiên tuế vi Thu (上古有大椿者、以八千歳爲春、八千歳爲秋, thời xưa có cây thung lớn, lấy tám ngàn năm làm một mùa Xuân, tám ngàn năm làm một mùa Thu)”. Chính từ câu này mà cây Thung được người đời sau dùng thể hiện sự trường thọ và mượn nó để thay thế cho người cha. Người xưa quan niệm, nơi người cha ở được gọi là Thung Đình (椿庭), Thung Đường (椿堂) hay Thung Phủ (椿府)… cho nên trong các văn tự cổ, các hoành phi đối liễn người ta hay dùng câu “Thung Đường Trường Thanh (椿堂長青, Cha Lành Sống Mãi [nhà có cây thung xanh mãi])” để chúc thọ cho phụ thân.
Huyên (萱), còn gọi Huyên thảo (萱草) hay Vong Ưu Thảo (忘憂草, Cỏ Quên Buồn) là loại cây cỏ có mùi rất thơm và sống rất lâu năm. Tương truyền, khi ăn cỏ huyên người ta sẽ quên đi ưu sầu, phiền muộn. chính vì đặc tính này mà cỏ huyên, từ Huyên thường được người xưa dùng để ví người mẹ. Và nơi người mẹ cư ngụ được gọi là Huyên Đường (萱堂), tức là nơi có trồng nhiều loại cỏ huyên để giúp cho mẹ quên đi mọi ưu phiền.
Giải thích thêm: Nếu như khi chúc thọ, khách hoặc con cháu thấy cả cha lẫn mẹ còn sống, người xưa thường dùng hoành phi trong đó ghi câu “Thung Huyên Tinh Mậu – 椿萱並茂” (Cha Mẹ cùng thọ, cùng tươi tốt)” để kính thọ.



Câu lạc bộ Thái Cực Quyền Công Viên Gia Định - Số 3 đường Hoàng Minh Giám, P. 3, Q. Gò Vấp, TP. HCM