085 – HỌ THIỀU – MỘT DÒNG HỌ DANH GIÁ TRONG LÒNG DÂN TỘC VIỆT

Xuất bản vào 21:07:56 16/02/2016


Trước tiên cần khẳng định, họ Thiều có nguồn gốc ở Thái Nguyên thuộc tỉnh Hà Bắc, nay thuộc Tp. Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong 553 họ của người Trung Quốc (được liệt kê trong sách Bách Gia Tính, sách được cho do người đời Bắc Tống sáng tác), họ Thiều được xếp thứ 260. Tuy chỉ xuất hiện ước bảy trăm năm trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc thế nhưng, xuyên suốt quá trình phát triển của mình, dòng họ Thiều Việt Nam đã sản sinh nhiều bậc hiền tài với những đóng góp to lớn cho sự phồn thịnh của đất nước.

1. “Thượng đẳng phúc thần Đại vương” – Tướng công Thiều Thốn.

Theo gia phả ghi lại, khoảng vào đời vua Trần Anh Tông (1294-1315), cụ thủy tổ của họ Thiều là đức Thiều Kim Tinh nhân nhà Tống có loạn giặc Nguyên Mông mới cùng hai con trai là Thiều Kim Nhật và Thiều Kim Tình xuất phát từ Thiều Châu (tỉnh Quảng Đông, TQ) chạy sang Việt Nam tránh loạn. Khi đến đất Thọ Sơn (nay là thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nhân thấy cảnh vật hiền hòa, sơn thủy hữu tình, lại xem phong thủy biết đấy là thế đất “long chầu hổ phục” nơi có thể phát tích hưng long cho con cháu nên đức sáng tổ mới quyết định an cư và coi đất Thọ Sơn của Đại Việt như quê hương thứ hai của mình.

Được biết, trong hai người con trai chạy loạn cùng đức sáng tổ, đức Thiều Kim Nhật sinh được một người con trai tên là Thiều Kim Xích (trong gia phả chỉ có chút thông tin như thế nên hiện nay không thể truy nguyên, không ai biết sinh sống ở đâu). Riêng đức Thiều Kim Tình lấy Tổ tỷ là cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, người xã Triệu Xá (nay thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) sinh ra đức ông Thiều Thốn, người không những góp công sức to lớn trong việc giữ yên cơ nghiệp nhà Trần (làm quan trải qua các đời Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông)… mà còn có công rất lớn trong việc phòng thủ đất nước, giữ yên bờ cõi giúp nhân dân an cơ lập nghiệp, tạo đà phát triển tránh sự nhòm ngó của ngoại bang, được vua Trần Dụ Tông phong “Khai quốc công thần, Phụ quốc Thượng tướng công, kiêm Kim Ngô vệ Phò mã Đô úy Thượng trụ quốc”. Đặc biệt, trong lịch sử vua chúa triều Trần, ông là người ngoại tộc được triều Trần không những tôn kính mà còn được Trần Dụ Tông gả công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu, một trong những đặc cách hiếm có của giới quý tộc triều Trần (điều đó cho ta thấy đức độ và tài năng của đức Thiều Thốn to lớn như thế nào).

Sau khi mất, đức Thiều Thốn được vua sắc phong “Thượng đẳng phúc thần Đại vương”, lại lệnh cho nhân dân các Tổng thuộc phủ Thiệu Hóa lập đền thờ quanh năm hương khói. Hiện nay, ngoài đền thờ chính ở núi Đào Sơn (thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), còn có đền thờ Nghè Tam Tổng (làng Triệu Xá, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) và tại nơi khi xưa đức ông làm Phòng Ngự sứ (tại Đông Bình, Lạng Giang) vì cảm ân đức trời bể của ông, nhân dân vùng biên ải Lạng Giang cũng lập đền thờ, quanh năm tế lễ.

Đức Thiều Thốn nguyên có tên là Thiều Kim Thốn sinh vào ngày 3 tháng 3 năm Khai Thái thứ 3 (1326) đời vua Trần Minh Tông. Cha mất từ lúc ngài chưa sinh, tương truyền khi sinh ra đức ông có tướng mạo khôi ngô dĩnh ngộ, tuấn tú khác thường, mắt rồng mày phượng, chân trái có chữ vương ( 王), tư chất thông minh, sức khỏe hơn người, lên bảy tuổi đã xin mẹ cho đi học. Nhà nghèo nên chàng trai Thiều Kim Thốn thường ngày phải lên núi hái củi mưu sinh nhưng chàng không quản khó khăn gian khổ, một lòng thờ mẹ tận hiếu. Những lúc nhàn rỗi, chàng lại cùng đám thanh niên trong làng luyện quyền múa võ đợi dịp báo đền ơn nước (đến nay, phía trước núi Đào Sơn về phía Nam vẫn còn một cái gò gọi là gò Lực sĩ, theo truyền thuyết trong dân gian, gò này chính là gò mà lúc thiếu thời, chàng trai Thiều Kim Thốn và trai tráng các làng luyện tập võ nghệ).

Vừa qua, vào ngày 20/9/2015 (nhằm ngày 8/8 AL, ngày mất của Tướng công Thiều Thốn) đông đảo con cháu của dòng họ Thiều và du khách khắp nơi trong cả nước đã nô nức kéo về núi Đào Sơn (núi Chiểu), dâng hương tưởng nhớ và tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với các bậc tiền hiền của đất nước, của dòng họ Thiều. Được biết, hiện nay ở Thanh Hóa và một số địa phương trong nước đã có tờ trình đề nghị nhà nước đặt tên đường cho danh nhân Thiều Thốn nhằm tri ân công đức của ngài.

2. Mạ Tặc Thượng Đẳng Thần – Thượng Thư Bộ Lại Thiều Quy Linh (1479-1527)

Vào triều vua Lê Uy Mục niên hiệu Đoan Khánh (Ất Sửu năm 1505) có đức ông Thiều Quy Linh tên húy là Lãng, tự là Trực Lương (cháu đời thứ 6 của đức Thiều Thốn, người làng Y Xá, nay là xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) thi đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ (hiện còn trong bia Tiến sĩ ở văn miếu Quốc Tử Giám), làm quan đến chức Lại Bộ Thị Lang kiêm Lễ Bộ Tham tri, Thượng thư Thọ Xuyên Hầu.

Vào triều vua Lê Chiêu Tông đức Thiều Quy Linh được sung chức Bồi Tòng tả thị lang tháp tùng đoàn sứ thần sang sứ bên Trung Quốc. Khi đoàn sứ thần về đến cầu Long nhĩ, sông Nhị Hà (sông Hồng bây giờ) nghe tin Mạc Đăng Dung bắt và giết chết vua Lê Chiêu Tông (năm 1526), phế truất Cung Hoàng tự lên ngôi lập ra nhà Mạc. Đức ông khóc lóc tiếc thương cho cơ nghiệp nhà Hậu Lê đồng thời chửi bới ngụy Mạc hết lời sau đó nhảy xuống sông Nhị Hà tuẫn tiết. Niên hiệu Thành Thái năm thứ 2 (1890), nhà Nguyễn vì tôn kính gương tuẫn tiết của bậc trung thần bèn sắc phong đức Thiều Quy Linh là “Lại Bộ Thượng Thư Tiết Nghĩa Tôn Thần”, gia phong “Quảng Ý Dực Bảo Trung Ương Thượng Đẳng Thần” lệnh cho dân lập đền thờ quanh năm cúng tế nhằm xiển dương gương sáng của các bậc trung thần hết lòng vì xã tắc (nhà thờ trước ở xóm Quang thuộc Y Xá xã. Sau Cách mạng văn hóa đã bị đám ngu dân đập bỏ hiện chỉ còn sót lại một số dấu phế tích).

3. Lê Triều Tham Chính – Thám Hoa Thiều Sĩ Lâm

Đức Thiều Sĩ Lâm và chi họ Thiều ở Cổ Bôn (còn gọi là Kẻ Bôn, địa danh của vùng đất xưa, nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vốn là con cháu họ Thiều từ dòng Nhuận Thạch (xã Đông Tiến) ra Kẻ Bôn lập nghiệp. Tương truyền khi còn nhỏ, ngài rất hiếu học và đặc biệt thông minh, có trí nhớ hơn người. Ngài thích chơi ở gần những nhà có thuê thầy về dạy học và tuy chơi ngoài sân nhưng tai mắt lại để ở trong nhà, chỉ nghe thầy giảng bài qua là thuộc, thời bấy giờ cả vùng ai cũng cho là bậc kỳ tài, thần đồng vậy.

Niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê Huyền Tông, ngài đi thi đỗ Thám Hoa (khoa Canh Tuất, 1670). Làm quan giữ chức Tham Chính, hàm Nhất phẩm (hiểu như kiểu ban trợ lý, giúp việc cho vua chúa xưa, chuyên can gián, chỉnh đốn chính sự, có ngạch hàm ngang Thứ bộ trưởng bây giờ), ngài sống cần kiệm, ước thúc, thanh liêm, chính trực… nổi tiếng đức cao vọng trọng trong triều. Hiện ở Cổ Bôn vẫn có đền thờ ghi nhớ công lao của ngài.

4. Thượng Kỳ Tả Cơ Đội trưởng Thiều Văn Thái (? – 10/10 AL)

Trong gia phả của dòng họ không ghi rõ về ngày tháng năm sinh cũng như ngày mất của đức Thế tôn Thiều Văn Thái tên thật là Thiều kim Bá, tên chữ là Văn Thái, đạo hiệu gọi là Hiền Đạt Tiên Sinh (chỉ biết giỗ ngày 10/10 AL). Chỉ biết, đức Thế tôn sinh ra và lớn lên tại Y Xá xã (thôn Văn Bắc, xã Đông Văn, là dòng dõi của đức Thế tổ Thiều Quy Linh), là võ quan dưới triều nhà Lê (khoảng niên hiệu Cảnh Hưng 1740-1780) với chức vụ Tả Đội trưởng trong “Thượng Kỳ ?”.

Dưới triều đại nhà Lê, trong quân đội được biên chế rất nhiều đội, ngay trong nội cung cũng có nhiều “Cấm vệ quân” tức là các đội hộ giá của vua và đứng đầu các chức danh này thường được gọi là Đội Trưởng như: Thân cấm binh chánh đội trưởng có phẩm hàm NGŨ PHẨM gọi là Tam đẳng Thị vệ; Thân cấm binh Chánh Đội trưởng suất đội, Tinh binh Chánh Đội có phẩm ngạch hàm Tòng Ngũ phẩm và được gọi là TỨ ĐẲNG THỊ VỆ. Việc gia phả không thể hiện được Phẩm ngạch hàm của đức Thế Tôn, thiết nghĩ đấy là một khiếm khuyết lớn đối với những người viết sử… gia tộc (trong quan chế triều Lê, Cơ to hơn Đội, chức Tả Cơ có hảm Tứ Phẩm trong khi chức Đội là Ngũ Phẩm, kém hẳn một ngạch).

5. Võ Huân Tướng Công – Lực Sĩ Hiệu Úy Thiều Văn Hoành

Cùng với các địa danh như núi Đào, thôn Nhuận Thạch, làng Triệu Xá, Phù Lưu… Y Xá có thể được coi là khởi nguồn, nơi phát tích của dòng họ Thiều Việt Nam. Theo phả ký, đức Thế tổ Thiều Thốn lấy ba người vợ, vợ cả là Công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu; vợ thứ hai người gốc Phù Lưu (nay là thôn Tân Lê, xã Đông Tân, huyện Đông Sơn) và người vợ thứ ba chính là thứ mẫu đẻ ra đức Thế tôn Thiều Kim Hoa (con trai út của Thế tổ Thiều Kim Thốn).

Xã Đông Văn (huyện Đông Sơn) nói chung và thôn Văn Bắc (xưa gọi Y Xá xã) nói riêng là một miền quê thuần Việt hiền hòa, nằm ở phía Nam của huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Làng thuộc thế đất Tọa Càn hướng Tốn, phía sau tựa núi Ngàn Nưa (nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Bà Triệu), phía trước là cánh đồng lúa xanh bát ngát lại lấy núi Son núi Thiều cùng dãy An Hoạch Sơn (núi Nhồi, nơi có hòn Vọng phu) chắn gió từ phía biển thổi vào. Hữu Bạch hổ lấy núi Văn chinh, tả Thanh long là dãy Phượng lĩnh hiền hòa… có thể nói Y Xá xã quả là mảnh đất lành, tiềm tàng thế hưng vượng.

Thế Tôn Thiều Văn Hoành tên chữ là Phúc ( 福) hiệu là Thuần Nhã được sinh ra trên mảnh đất hiền hòa, thấm đậm tình giao hảo, đoàn kết gắn bó giữa hai họ Thiều và họ Trần (đến nay, trong làng chủ yếu vẫn hai họ Thiều – Trần, đi đâu cũng là anh em, không bên cha tất bên mẹ), lại có truyền thống gia đình danh gia vọng tộc, nhiều đời làm quan lớn trong triều. Bản thân thân phụ Thiều Văn Thái đương chức võ quan tại triều do vậy, Thế tôn Thiều Văn Hoành ngay từ nhỏ đã lộ rõ chí khí của bậc trượng phu, tư chất thông minh dĩnh ngộ hơn người. Ngoài việc học hành, cậu bé Hoành thường ngày đêm trau dồi võ nghệ, tụ tập trai tráng, hào kiệt các nơi luận bàn binh pháp. Với võ nghệ cao cường cùng sức khỏe “muôn người nạn địch”, mười tám tuổi chàng trai làng Y Xá Thiều Văn Hoành đã trúng truyển Cử Nhân võ vào niên hiệu Cảnh Hưng (景興) năm thứ 40 đời vua Lê Hiển Tông (1780) và được vua sắc phong “Kiệt Trung Tướng Quân Lực Sĩ Hiệu Úy”. Bụng làu thông kinh sử, văn có thể an thiên hạ võ địch muôn người, lại một lòng trung quân ái quốc, biết bắt trước tiền nhân suốt sĩ đồ sống thanh liêm chính trực, thương xót lê dân nên đức Thế Tôn luôn được các bạn bè đồng liêu, muôn quân một lòng mến phục. Ngài được triều đình tin phục và giao giữ nhiều trọng trách như chức Kỵ Úy tướng quân, Vệ Quân Sự Vụ (hàm Tòng Tam phẩm, đây là một chức võ quan quan trọng trông coi về việc quân cơ trong triều),… Cuối đời được vua sắc phong “Võ Huân Tướng Công Thần Võ”, “Vệ Quân Sự Vụ Tham Đốc Hoành Thọ Hầu” (Cần chú ý Tước Hầu侯chỉ đứng sau Tước Vương 王, Tước Công 公… là đến Tước Hầu 侯 , đây là tước quan cực lớn mà các triều đình phong kiến xưa thường chỉ dành để phong cho những người có công lao hay danh vọng lớn. Ví dụ: Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều).
Đặc biệt, vào triều nhà Nguyễn, vua Khải Định 啟定 (1916-1925) còn sắc phong cho đức Thế Tôn là “Rực Bảo trung Ương Linh Phù Tôn Thần” đồng thời cải tên húy của Thế Tôn là Hoành Uẩn (?) Lại gia tặng “Đoan Túc Tôn Thần”. Đền thờ đức Thế Tôn Hoành Thọ Hầu (tục gọi là Quan lớn hầu), xưa ở trong làng Y Xá, gần chùa Báo Ân… Thật đáng tiếc và đau lòng, sau “Cách mạng”, tất cả “tôn thần” đều được những người “Văn Minh” phá bỏ sạch.

Tp.HCM, ngày 22.9.2015
Thiều Ngọc Sơn




Câu lạc bộ Thái Cực Quyền Công Viên Gia Định - Số 3 đường Hoàng Minh Giám, P. 3, Q. Gò Vấp, TP. HCM